• 0
  • 0

Giỏ hàng

Bệnh đạo ôn

BỆNH ĐẠO ÔN

(Rice blast)

Bệnh đạo ôn hay còn gọi là bệnh cháy lá lúa (blast disease) là bệnh quan trọng bậc nhất ĐBSCL. Bệnh có mặt ở các vùng trồng lúa khắp Việt Nam và gây nhiều thiệt hại cũng như tốn kém cho nông dân.

Tác nhân do nấm Pyricularia grisea (= P. oryzea).

1. Cách nhận diện bệnh đạo ôn

a/ Triệu chứng đạo ôn trên lá

- Triệu chứng điển hình là vết bệnh có hình bầu dục hai đầu kéo dài ra dọc theo gân lá, màu nâu, tâm trắng xám, giống hình con mắt. Vết bệnh bắt đầu từ một chấm màu nâu nhỏ như đầu kim, sau đó phát triển dần thành vết bệnh điển hình.

Vết chấm kim

- Vết bệnh điển hình tiếp tục lan lớn ra và liên kết với các vết bệnh gần đó tạo thành một phần lá ngả màu nâu. Phát triển hơn nữa làm phần lá bị cháy khô. Trên phần lá cháy khô vẫn còn vết tích của các vết bệnh ban đầu, với các tâm trắng xám.

Vết bệnh hình mắt én lan rộng 

- Bệnh gây hại nặng sẽ làm chết cả bụi lúa. Nhìn từ xa thấy trên ruộng có những lõm lúa cháy nâu và chết lụn mà nông dân thường gọi là lúa “sụp mặt”.

Lúa bị đạo ôn nặng

- Vết bệnh đang phát triển là vết bệnh có dạng thấm nước hoặc vết bệnh đang sinh bào tử. Khi phun thuốc trị bệnh có hiệu quả vết bệnh trở nên khô mặt.

b/ Triệu chứng đạo ôn cổ lá

- Trên một số giống nhiễm đạo ôn cổ lá và khi gặp thời tiết thuận lợi, nấm bệnh đạo ôn tấn công cổ lá lúa tạo ra vết màu nâu nơi cổ lá làm lá gãy gục. Sau vài ngày lá lúa bệnh bị cháy khô. Để tạo ra triệu chứng đạo ôn cổ lá, trên lá lúa có vết bệnh đang sinh bào tử và có giọt nước lăn qua vết bệnh xuống đọng lại ở cổ lá. Nếu lá lúa không có vết bệnh thì không có đạo ôn cổ lá.

- Điều kiện để triệu chứng đạo ôn cổ lá xuất hiện là giống lúa mẫm cảm với đạo ôn cổ lá, trên lá có vết bệnh đạo ôn và có mưa đêm nhẹ hoặc có sương mù dày về đêm.

c/ Triệu chứng đạo ôn cổ gié

- Đạo ôn cổ gié còn được gọi là đạo ôn cổ bông. Khi lúa trổ bông, nấm bệnh đạo ôn tấn công vào cổ của gié lúa gây ra triệu chứng đạo ôn cổ gié.

- Ở đốt của cổ gié lúa hoặc ở cuống của cổ gié có vết bệnh màu nâu hoặc nâu xám hoặc nâu xanh. Nếu đốm bệnh xuất hiện sớm, ngày sau khi trổ bông, thì bông lúa bị lép trắng cả gié lúa, còn gọi là triệu chứng bông bạc.

Bạc bông lúa

- Để phân biệt triệu chứng bông bạc, do bệnh đạo ôn hay do sâu đục thân gây ra thì nắm gié lúa kéo mạnh lên, nếu gié lúa không tuột ra khỏi chồi lúa và ở cổ gié có đốm nâu, thì là đạo ôn cổ gié. Trường hợp vết bệnh xuất hiện muộn hơn, gié lúa bị lép hoặc bị lững cả gié. Trường hợp nấm bệnh tấn công cổ gié muộn hơn vào lúc hạt lúa đã nặng hạt thì cả gié lúa gãy đỗ xuống còn gọi là “lúa gãy cổ”.

Đạo ôn cổ bông

d/ Triệu chứng đạo ôn nhánh gié

- Sau khi gié lúa cuối xuống, còn gọi là “cong trái me”, nấm bệnh đạo ôn tấn công lên các nhánh nhỏ của gié lúa làm lững hạt (hạt lúa không no tròn).

Đạo ôn nhánh gié

e/ Triệu chứng đạo ôn cuống hạt

- Nấm bệnh đạo ôn còn tấn công lên cuống hạt vào giai đoạn cong trái me trở về sau, làm lững hạt và là nguyên nhân quan trọng làm hạt bị rụng nhiều khi thu hoạch (nông dân gọi là “muối hạt”).

2. Sự lây lan

- Bệnh đạo ôn chủ yếu lây nhiễm qua không khí (gió). Nấm bệnh sau khi được phóng thích khỏi vết bệnh được mang đi bởi gió. Bào tử nấm bệnh có thể theo luồng không khí đứng được mang lên rất cao, cao đến 7000m. Gió ngang sẽ mang bào tử nấm đi sang các ruộng lân cận hoặc đi rất xa tùy theo tốc độ gió.

- Trong trường hợp đứng gió, như vào những đêm có sương mù dày, bào tử nấm bệnh được lan ra cho các bụi lúa chung quanh cũng như rơi xuống các lá lúa bên duới tán của bụi lúa.

3. Ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh

- Nhiệt độ, ẩm độ và ánh nắng là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên bệnh đạo ôn. Vết bệnh có thể phát triển ở nhiệt độ từ 80C đến 370C. Vết bệnh phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 280C.

- Sợi nấm phát triển mạnh khi ẩm độ tương đối của không khí đạt từ 93%. Trong điều kiện ĐBSCL, những đêm có sương mù dày và kéo dài là lúc vết bệnh đạo ôn sinh ra nhiều bào tử nhất.

- Ánh sáng có ảnh hưởng ức chế sự phóng thích của bào tử nấm gây bệnh đạo ôn. Nhất là ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên bào tử, ức chế sự nảy mầm của bào tử và giết chết bào tử sau đó.

4. Quản lý bệnh đạo ôn

a/ Phòng ngừa bệnh

- Chọn giống kháng bệnh, gieo sạ với giống sát nhận để được cây lúa khỏe.

- Làm đất: không nên làm đất cập rập vì sẽ tạo điều kiện cho lúa bị ngộ độc axit hữu cơ, lúa bị thối rễ và dễ bị bệnh đạo ôn tấn công nặng. Cần có thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa càng xa càng tốt, tùy mùa vụ và tùy địa phương.

- Mật độ sạ: Không sạ với mật độ quá cao. Khi sạ quá dày, mạ mọc dày đặc nên lá lúa giáp tán sớm và bệnh đạo ôn xuất hiện sớm vào 15 ngày sau khi sạ.

- Bón phân: Không nên bón phân đạm với lượng cao hơn yêu cầu của cây lúa trong ruộng. Bón dư thừa đạm lá lúa to bản và mềm yếu nên gập xuống, che phủ các lá của tầng dưới sẽ làm cho ruộng lúa dễ bị nhiễm bệnh và khi bị bệnh thì bệnh phát triển rất nhanh, khó trị dứt.

b/ Trị bệnh

- Nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất chuyên trị đạo ôn như:

- Tricyclazole: AVIN 400SC,  BIM DUC 820WG, BEAMMY KASU 500SC 

        

- Azoxystrobine: AMITY TOP 500SC, NATIDUC 800WG

- Isoprothiolane: CAMEL 860WP 

- Phun sớm lúc vết bệnh chưa sinh bào tử sẽ giúp cho lần phun thuốc trị bệnh đạo ôn có hiệu quả cao.

Thuốc trừ bệnh nấm, vi khuẩn: https://congtydelta.com/danh-muc/329/thuoc-tru-benh

 

 

 

Công ty cổ phần BVTV Delta

Bài viết liên quan

Bệnh đốm vằn: https://congtydelta.com/bai-viet/88/benh-dom-van

Bệnh cháy bìa lá lúa: https://congtydelta.com/bai-viet/89/benh-chay-bia-la-lua

Nguồn: Các bệnh hại quan trọng ở Đồng Bằng sông Cửu Long, PGS. Phạm Văn Kim