QUY TRÌNH CHĂM SÓC TIÊU
1. Bón phân
Lượng phân bón hằng năm bón cho tiêu bao gồm phân hóa học và phân hữu cơ tùy thuộc và đất đai, khí hậu, tính hình sinh trưởng và giống trồng.
Liều lượng phân NPK và phân chuồng bón cho tiêu theo tuổi cây
Tuổi cây | Phân chuồng (kg/gốc) | N (g/gốc) | P2O5 (g/gốc) | K2O (g/gốc) |
Năm thứ 1 | 15-20 | 60 | 30 | 60 |
Năm thứ 2 | 15-20 | 120 | 50 | 120 |
Năm thứ ≥ 3 (cho trái) | 15-20 | 190 | 80 | 360 |
Năm thứ 1:
+ Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vào hố trồng cộng với 50g Super lân.
+ Bón 1/3 lượng phân hóa học (đạm, lân, kali) sau khi trồng 1 tháng.
+ Bón 1/3 lượng phân sau khi trồng 2-3 tháng.
+ Bón 1/3 lượng phân vào cuối mùa mưa (tháng 11 dl).
Năm thứ 2:
+ Bón toàn bộ phân hữu cơ và 1/2 lượng phân hóa học vào đầu mùa mưa ( tháng 5-6 dl).
+ Bón 1/2 lượng phân hóa học còn lại vào cuối mùa mưa (tháng 11 dl).
Năm thứ 3: Khi cây cho trái
+ Bón lót toàn bộ phân hữa cơ và ¼ lượng phân hóa học sau khi hái trái.
+ Bón 1/4 phân hóa học để thúc mầm hoa, lúc tiêu sắp cho gié hoa (khoảng tháng 5-6 dl).
+ Bón 1/4 phân hóa học lúc trái non hình thành trên gié để giúp giá tăng tỷ lệ đậu trái và phát triển trái non.
+ Bón 1/4 phân hóa học còn lại để nuôi trái.
Cách bón phân
+ Bón phân hữu cơ: Xới đất chung quanh gốc trong bán kính 50-100 cm, sâu 5-10 cm, rãi đều phân chuồng, lấp đất lại, tránh làm tổn thương bộ rễ khi xới đất.
+ Bón phân hóa học: Đào rãnh sâu 5-10 cm chung quanh gốc, cách gốc khoảng 30-60 cm, rãi phân và lấp lại.
2. Tưới nước
+ Tiêu thích ẩm nhưng không chịu được úng, do vậy cần tưới tiêu hợp lý, nhất là không để vườn tiêu bị úng nước. Có thể đào các mương nhỏ sâu và rộng khoảng 30-50cm để giúp thoát nước vườn nhanh hơn. Trong mùa nắng phải tưới đủ ẩm, nhất là giai đoạn cây ra hoa và đậu trái. Sau khi thu hoạch cũng phải tưới nước thường xuyên để giúp mầm hoa phát triển tốt cho vụ kế tiếp, kết hợp với bón phân. Trước khi cây ra hoa ( khoảng tháng 5 dl) cần để cho cây có một thời gian khô ngắn (khoảng 7-10 ngày) giúp cây ra hoa tập trung vào đầu tháng 6 dl. Trong thời gian này tiến hành xới đất, làm cỏ, vun gốc.
+ Trên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất xám bạc màu ở miền Đông Nam Bộ, đất cát ở Phú Quốc, đất giồng cát ở một số tỉnh ĐBSCL thì lượng nước cần cho một gốc tiêu trong mùa nắng khoảng 30-60 lít và tưới khoảng 4-6 lần/ tháng. Trên các loại đất đỏ Bazalt thì lượng nước tưới khoảng 40-80 lít và tưới khoảng 4-8 lần/ tháng.
3. Làm cỏ xới xáo
Sau khi trồng khoảng 1 tháng cần tiến hành làm cỏ, nhất là vào đầu mùa mưa. Bộ rễ tiêu thích đất tơi xốp, thông thoáng nên có thể kết hợp làm cỏ, bón phân và xới xáo đất quanh cây tiêu. Cần lưu ý ở những nơi có bệnh dễ tấn công, hoặc sau khi xới xáo phải xử lý thuốc diệt nấm cho rễ.
4. Cắt tỉa, tạo hình
Cắt tỉa, tạo hình là để cho cây tiêu có bộ khung phân bố đều quanh cây nọc, miễn sao cho cây tiêu có dạng hình trụ tròn để nhận được nhiều ánh sáng, phân bố của nhánh ác được đều sẽ có nhiều trái. Có thể kết hợp xén tỉa để lấy hom nhân giống.
- Cơ sở của việc cắt tỉa, tạo hình
+ Bấm đọt nhánh vượt chính để có nhánh vượt cấp 1, tiếp tục bấm nhánh vượt cấp 1 để có nhánh vượt cấp 2.
+ Nhánh càng xa gốc càng có tuổi già hơn và khả năng cho ra cành mang trái nhiều hơn.
+ Chùm hoa chỉ mọc ra trên nhánh ác.
+ Cành ác vừa mang chùm hoa, nhưng đồng thời cũng sẽ cho ra cành ác năm sau.
- Cách cắt tỉa, tạo hình
+ Sử dụng nhánh vượt các cấp để làm bộ khung cho cây tiêu tròn đều và sự phân bố của nhánh ác cũng đều đặn.
+ Thường xuyên bấm đọt nhánh vượt để tăng cấp cành để mau có nhánh ác.
+ Số lượng nhánh vượt sử dụng làm bộ khung cây tiêu tùy thuộc vào kích thước nọc, nọc lớn dùng nhiều nhánh vượt.
* Có thể bổ sung phân bón lá cho cây tiêu trong thời gian đầu giúp cây ra rễ nhanh phát triển tốt hơn
Công ty cổ phần BVTV Delta