ĐẶC TÍNH THỰC VẬT CỦA CÂY ĐIỀU
Anacardium occidentale L.
- Cây điều thuộc Bộ Sapindales, họ Anacardiaceae, là cây công nghiệp có giá trị kinh tế rất cao và được đánh giá là cây kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Việt Nam đang là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới (2020), ước tính đạt 450.000 tấn điều nhân, trị giá 3,2 tỷ USD (Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas)).
- Việc phát triển cây điều không những làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân mà còn là động lực phát triển các ngành công nghiệp chế biến từ nhân, giả quả và dầu vỏ hạt điều. Ngoài ra, do cây điều có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, chịu đựng được điều kiện khô hạn kéo dài nên việc phát triển cây điều không cạnh tranh với các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao khác. Do đó, có thể nói điều là cây công nghiệp có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển ở ĐBSCL.
1. HỆ THỐNG RỄ
Rễ điều gồm có một rễ trụ ăn xuống đất và nhiều rễ nhánh phát triển theo chiều ngang. Ở vùng đất cát hay đất thịt rễ có thể ăn sâu 6-7 m, đất nặng hay kém thoát nước làm hạn chế sự phát triển rễ điều, rễ trụ không ăn sâu được. Với khoảng cách trồng 12 m, rễ điều giao nhau khi cây được 4-5 năm tuổi trong khi tán lá chưa giao nhau. Rễ điều hoạt động mạnh nhất và hấp thụ N, P, K nhiều trong giai đoạn trước khi ra hoa và hoạt động yếu nhất trong thời kỳ trái trưởng thành và thu hoạch.
2. THÂN
- Thân thẳng có thể cao đến 15 m (trung bình 6-10 m), phân cành thấp, đôi khi sát mặt đất. Chồi tăng trưởng suốt năm, nhất là trong điều kiện mưa phân bố đều, thường có 2 thời kỳ tăng trưởng mạnh trong năm.
+ Đợt 1: Vào đầu tháng 3 dl, sau mùa kết trái.
+ Đợt 2: Vào tháng 7 dl.
+ Đợt 3: Vào tháng 11 dl, chồi mọc nhiều trong đợt này.
- Trong chu trình sinh trưởng và phát triển, cây điều trải qua một giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng nhanh, tiếp theo là thời kỳ nghỉ ngắn, kế đến là thời kỳ dài của đợt sinh trưởng trước khi ra hoa, sự ra hoa, phát triển trái và trưởng thành. Thời kỳ chủ yếu của sinh trưởng dinh dưỡng xuất hiện trong mùa mưa còn thời kỳ ra hoa và phát triển trái xuất hiện trong mùa khô.
3. LÁ
Lá điều thuộc lá đơn, nguyên, gân có hình lông chim, không có lông, dạng thon, dài hay hình thuẫn. Kích thước 10-20 x 5-10 cm. Cuống lá dài 0,5-1 cm, mỗi lá có từ 10-20 gân. Lá mọc xen kẽ trên cành. Lá non có màu nâu đỏ đến xanh đậm, và trở nên xanh đậm khi trưởng thành. Từ khi lá xuất hiện đến khi lá trưởng thành mất 20 ngày. Cành non và cành mang trái mang nhiều lá hơn cành không mang trái (cành mang trái trung bình 3,5 lá trong khi cành không mang trái có 2,5 lá trên cành).
4. HOA
- Cây điều thuộc loại “đực cùng gốc” (andromonoecious), tức là có hoa đực và hoa lưỡng tính trên cùng phát hoa. Hoa điều mọc thành từng chùm, phát hoa dài 20cm, mọc ở ngọn chồi non.
- Có sự biến động rất lớn giữa các giống về tỷ lệ hoa lưỡng tính trên phát hoa. Che mát cho cây thúc đẩy sự hình thành hoa lưỡng tính, trong điều kiện ánh sáng đầy đủ tỉ lệ hoa đực nhiều hơn.
- Ở vùng có mùa khô rõ rệt, hoa lưỡng tính thường xuất hiện một tháng sau khi hoa đầu tiên nở. Hoa điều mọc thành cụm, ở giữa là hoa lưỡng tính, hai bên lá hoa đực. Hoa có màu trắng và thơm sau khi nở, sau vài ngày chuyển sang màu tím và cuối cùng chuyển sang màu nâu khi rụng. Mỗi chùm hoa có từ 5-11 nhánh, mỗi nhánh có từ 40-400 ha (mỗi phát hoa có từ 120-1.100 hoa). Hoa đầu tiên nở khi phát hoa khoảng 5 tuần tuổi, hoa phát triển và nở dần kéo dài trong 5-6 tuần. Thời điểm ra hoa tập trung tùy theo giống, thời gian ra hoa thường kéo dài trong 4 tháng.
- Một phát hoa nở gồm có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là sự trương nở của hoa đực tiếp theo là hoa lưỡng tính và hoa đực và cuối cùng là sự trở lại của hoa đực.
- Cây trồng từ hột ra hoa sau 2-3 năm trồng. Trong điều kiện thích hợp cây ra hoa vào năm thứ 2 nhưng thường ra hoa vào năm thứ 3. Tuy nhiên, cũng có ghi nhận trường hợp cây điều ra hoa khi được 6 tháng tuổi.
- Hoa đực
+ Hoa đực có 5 cánh và 5 đài mọc xen kẽ nhau. Tuy nhiên, số cánh hoa có thể từ 4-9 và số đài hoa từ 4-7. Mỗi hoa có 1-2 nhị đực, dài 12 mm và 8-9 nhị đực ngắn dài 4 mm. Các bao phấn nằm trong ống hoa. Do hạt phấn của hoa dính và hư khi bị đẩy ra khỏi bao phấn nên hoa điều không thụ phấn nhờ gió mà chủ yếu là do côn trùng.
- Hoa lưỡng tính
+ Có 10 tiểu nhị trong đó có 1 cái dài 8 mm nhô ra ngoài. Đầu noãn một ngăn với một tiểu noãn. Vòi nhụy dài 12 mm thò ra ngoài. Do hoa cái có cấu tạo vòi nhụy cao hơn nhị đực nên tạo điều kiện dễ dàng cho hoa thụ phấn chéo.
+ Hoa nở từ 7 giờ sáng đến 15 giờ chiều tuy nhiên, hoa có thể nhận phấn một ngày trước khi hoa nở và kéo dài đến 2 ngày sau. Phấn hoa có thể sống trong 2 ngày. Tỉ lệ đậu trái trung bình là 27 %, để tăng tỉ lệ đậu trái người ta phun NAA 10 ppm, 2 lần tăng tỉ lệ đậu trái 107 %.
5. TRÁI
- Trái điều (hột) thuộc loại bế quả, dạng hình quả thận. Kích thước từ 2,5-3,2 x 1,9-3,5 cm; dầy từ 1,5-2,3 cm, màu nâu hơi xám, gắn vào giả quả. Hột điều gồm có 3 phần:
Trái điều non
+ Phần vỏ: Dầy 0,4 cm, chiếm 70% trọng lượng hạt. Vỏ gồm 3 lớp:
+ Lớp vỏ ngoài (ngoại quả bì): Dầy và láng.
+ Trung quả bì: xốp, chưa nhiều dầu (trung bình 16,6-33%).
+ Nội quả bì: Rất cứng
+ Phần vỏ lụa: Màu nâu hay đỏ hồng, bao bọc quanh thân, chiếm 5% trong lượng trái.
+ Nhân: chiếm 25% trọng lượng hạt, trọng lượng trung bình 1-5,4 g. Nhân chứa 43,4-57,4 % chất béo, 18-25,4 % lượng protein, 5,25 % tinh bột. Thời gian từ khi thụ phấn đến lúc trái chín từ 40-65 ngày, tùy thuộc vào từng giống.
6. GIẢ QUẢ
Giả quả hay trái điều năng gấp 5 – 10 lần trọng lượng hột khi chín. Hình dạng kích thước và màu sắc thay đổi tùy theo giống. Giả quả có thể hình thon, dài, tròn hoặc hình thoi. Kích thước từ 4-8 x 10-20 cm. Trái có màu nâu lục hay màu hồng tím, sau trở thành màu lục. Khi chín chuyển sang màu vàng, đỏ hay hồng. Trái chín rất mọng nước hay có xơ, vỏ ngoài mỏng, láng, dễ bị dập. Trái chín có mùi hơi khó chịu.
Công ty cổ phần BVTV Delta