ỐC BƯƠU VÀNG
Pomacea canaliculata
1. NGUỒN GỐC
Ốc Bươu Vàng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, vào những năm 1980 chúng được nhập vào Châu Á và nuôi rộng rãi để cung cấp nguồn thức ăn giàu chất đạm cho gia súc, gia cầm và con người. Tuy nhiên, Ốc Bươu Vàng đã vượt khỏi nơi nuôi và trở thành dịch hại nguy hiểm cho mùa màng. Năm 1988 Ốc Bươu Vàng được nhập vào và nuôi ở Việt Nam và cũng tương tự như các nước Châu Á khác, Ốc Bươu Vàng đã nhanh chóng trở thành dịch hại nguy hiểm trên lúa ở Việt Nam.
2. ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI
- Ốc thường gây hại từ ngay sau khi sạ cho đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi.
Ốc ăn lúa non
- Ốc Bươu Vàng hoạt động mạnh vào buổi sáng và chiều tối, chúng gây hại bằng cách cắn ngang thân cây lúa, ăn trụi thành từng đám, khiến nhiều diện tích lúa bị chết hoàn toàn. Ốc Bươu Vàng có thể ăn 7-24 cây mạ/ngày. Dấu hiệu nhận biết Ốc Bươu Vàng gây hại là: mất cây, cây lúa đứt ngang thân làm cho lá – thân cây lúa nổi trên mặt nước.
Ốc Bươu Vàng gây hại
- Thiệt hại năng suất gây ra bởi Ốc Bươu Vàng có liên quan đến mật số và tuổi ốc: ở mật độ 1 con/m2 năng suất giảm 20%, ở mật độ 8 con/m2 thì năng suất giảm đến 90%.
3. ĐẶC ĐIỂM ỐC BƯƠU VÀNG
- Ốc trưởng thành cỡ lớn, dạng mập tròn, gồm đầu thân và chân. Đầu có hai đôi xúc tu (một đôi dài và một đôi ngắn). Thân nằm trên chân, là một khối xoắn ẩn kín trong vỏ. Chân rộng, hình đĩa, màu trắng kem nằm ở phía bụng. Mặt lưng của chân có nắp vỏ che đậy. Đầu và chân thường thò ra ngoài vỏ khi di chuyển. Toàn bộ cơ thể ốc nằm trong lớp vỏ.
Vỏ Ốc Bưu Vàng
+ Vỏ ốc: có dạng hình cầu, không bóng, màu vỏ thay đổi từ vàng, xanh vàng đến nâu, nâu đen có vân hoặc không có vân.
+ Lỗ miệng vỏ: loe rộng, con đực có lỗ miệng vỏ tròn hơn con cái.
+ Nắp miệng vỏ: bằng chất sừng, con cái trưởng thành có nắp miệng vỏ lõm, trong khi nắp miệng vỏ con đực thì lồi.
+ Vòng xoắn: có 5-6 vòng xoắn phồng, rãnh xoắn sâu, các vòng xoắn trên thấp nên tháp ốc lùn, vì thế vỏ ốc có dạng hình cầu.
+ Lỗ rốn: sâu và rộng.
+ Cơ thể: Thịt ốc có màu thay đổi từ kem vàng, vàng nâu đến đen nhạt. Ống thở có những đốm vàng, dài gấp 2,5 lần chiều cao của vỏ ốc.
+ Trứng: ốc đẻ trứng vào bất cứ vật thể nào phía trên mặt nước, trứng có màu hồng đậm khi mới đẻ và nhạt dần thành màu hồng nhạt khi trứng nở.
Trứng Ốc Bưu Vàng
4. NƠI SINH SỐNG:
Chúng sống được ở nơi có nước chảy chậm như sông, hồ, kênh rạch, hoặc những nơi nước tù đọng như đầm lầy, lung bàu, ao tù…Chúng có thể sống trong ruộng lúa nước, ruộng khoai môn, ruộng rau muống….
5. KHẢ NĂNG SINH SẢN
- Giới tính
+ Ốc Bươu Vàng là loài sinh sản hữu tính, có con đực và con cái riêng, sự sinh sản chỉ thành công khi có sự giao phối giữa con đực và con cái.
- Sự bắt cặp và đẻ trứng
+ Ốc Bươu Vàng sinh sản quanh năm, sự bắt cặp xảy ra ở nơi có nước ngập vỏ. Thời gian bắt cặp kéo dài từ 10 đến 20 giờ và con đực nhịn đói trong suốt thời gian này. Con cái cần 5 giờ để đẻ một ổ trứng. Con cái có thể giữ tinh trùng trong cơ quan sinh sản đến 140 ngày sau khi giao phối đủ để thụ tinh cho 3000 trứng, nhờ vậy chúng vẫn có thể đẻ trứng hữu thụ mặc dù không giao phối trong thời gian này.
Ốc đẻ trứng trên thân cây lúa non
+ Sự đẻ trứng thường xảy ra vào lúc sáng sớm, chiều tối và nhiều nhất là vào ban đêm, vào khoảng 24 giờ đến 15 ngày sau khi giao phối.
6. SỰ PHÁT TRIỂN VÀ SINH SỐNG
Thời gian từ đẻ trứng đến nở là 10 ngày, tỷ lệ nở 85%. Ở Việt Nam, Ốc Bươu Vàng có thể bắt cặp khi đạt kích thước 1,5-2cm, sinh sản lúc trọng lượng cơ thể đạt 3 gram. Ở vùng Châu Á nhiệt đới Ốc Bươu Vàng trưởng thành sớm lúc 60 ngày tuổi, sinh sản quanh năm nên chúng gia tăng mật độ quần thể cũng như lan rộng rất nhanh. Ốc có thể sống 4-6 năm.
7. SỰ HÔ HẤP
Ốc Bươu Vàng có khả năng sống trong nước và cả trên cạn, do có cả hai bộ phận mang và phổi. Nhờ vậy chúng có thể sống được trong môi trường nước ô nhiễm, thiếu oxy cũng như có thể sống sót qua một thời kỳ khô hạn hoặc có thể phân tán đi nơi khác bằng cách bò trên mặt đất.
8. SỰ NGỦ NGHỈ
Ốc Bươu Vàng ở vùng nhiệt đới, nơi mà mùa nắng đồng ruộng ao tù bị khô hạn, nên chúng có khả năng tự vùi mình vào trong bùn để có thể sống sót trong điều kiện đất khô. Ốc Bươu Vàng vùi mình vào trong đất có thể sống sót từ 3 tháng đến 6 tháng và vùi sâu 30cm.
9. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
- Biện pháp canh tác:
+ Làm đất kỹ, bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng.
+ Bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Đánh rãnh thoát nước (25x5 cm) cách nhau 10-15 m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay.
+ Đặt lưới chặn mương nước vào ruộng ngăn ốc xâm nhập. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.
+ Cắm các cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương kênh tưới để thu hút ốc đến đẻ trứng và thu gom dễ dàng.
- Biện pháp hóa học
+ Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Niclosamide, Metadehyde trị Ốc Bươu Vàng như: thuốc ốc xịt VDCSNAILNEW 750WP, thuốc ốc bã mồi THẦN DIỆT ỐC, PASSPORT 200GR, CON CÒ DIỆT ỐC.
+ Thời điểm xử lý: tùy điều kiện ruộng có thể xử lý ốc vào các giai đoạn sau:
=> Phun/rải nhử trước: sạ vài ngày, dẫn nước vào ruộng, nhử ốc trồi lên rồi phun thuốc, sau đó làm đất tiến hành sạ bình thường.
=> Phun/rải ngay khi lấy nước vào ruộng, chuẩn bị rước phân đợt 1 (khoảng 7-8 ngày sau sạ).
* Lưu ý:
+ Khi ruộng mới sạ gặp mưa lớn, ruộng nổi nước là điều kiện thích hợp để ốc gây hại. Cần xử lý kịp thời, tránh để ốc gây hại nặng là thất thu năng suất.
+ Khi phun hoặc rải thuốc diệt ốc phải giữ mực nước trên ruộng khoảng 3-5 cm, sau khi phun tiếp tục giữ nước trên ruộng 1-2 ngày để diệt hết ốc còn lại.
+ Nên phun hoặc rải vào chiều mát hay sáng sớm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nên phun (rãi) thuốc vào lúc chiều mát, vì ốc thường trồi lên cắn phá mầm lúa vào chiều và tối.
Công ty cổ phần BVTV Delta
Bài viết liên quan