PHÒNG TRỪ BỆNH DO VI RÚT VÀ VI KHUẨN HẠI GỪNG
Tên khoa học: Zingiber officinale
Hiện nay, việc sản xuất gừng đang bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây hại như vi rút, vi khuẩn, nấm và tuyến trùng. Trong số đó, vi khuẩn là tác nhân gây hại quan trọng nhất, gây héo và thối mềm ở gừng từ đó làm giảm sản lượng và chất lượng của củ gừng.
1. Bệnh khảm do virus
Tác nhân: do virus CMV (Cucumber Mosaic Virus ) được truyền bệnh qua môi giới là Rầy mềm.
- Triệu chứng
+ Ở giai đoạn đầu với các vết khảm màu vàng và xanh đen song song với gân lá, cây còi cọc ở giai đoạn cuối nhiễm bệnh.
+ Sự xâm nhiễm của virus này trên gừng làm giảm năng suất củ nghiêm trọng.
Lá gừng bị khảm
- Quá trình lây nhiễm: qua các dụng cụ nông nghiệp, côn trùng chích hút, đặc biệt do rầy mềm chích hút.
- Phòng trừ
→ Thăm ruộng thường xuyên để phát hiện sớm và tiêu hủy các cây bị nhiễm bệnh.
→ Phòng trừ rầy mềm.
2. Bệnh héo do vi khuẩn
- Tác nhân: do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra
+ Là bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trên cây gừng, bệnh truyền qua đất và hom giống. Gây hại nặng và cực kỳ nguy hiểm đối với gừng trồng ở các vùng nhiệt đới.
+ Bệnh lây lan nhanh chóng trong điều kiện mưa nhiều và thời tiết ấm áp.
- Triệu chứng
+ Đầu tiên lá tóp lại nhưng vẫn còn xanh, các lá ở dưới bị trước và lan dần lên trên. Bệnh nặng làm lá bị vàng (lá vàng từ dưới lên trên), sau đó cây héo cụp xuống, có thể quan sát thấy những vùng mọng nước xuất hiện ở cổ rễ nơi tiếp giáp giữa thân giả và củ.
+ Mổ dọc thân cây bệnh có những sọc đen chạy dài, củ sậm màu hơn và xuất hiện các vùng nhũn nước chứa các túi dịch vi khuẩn.
+ Khi cắt củ gừng bị bệnh ngâm vào ly nước trong sẽ xuất hiện dòng tuôn vi khuẩn màu trắng sữa.
+ Ở cây bị bệnh nặng, khi nhổ bụi gừng lên gần như cả củ đều bị thối, phần non bị thối trước trong 5-7 ngày, phần già bị thối chậm hơn.
a. Triệu chứng cây héo xanh, b. Củ gừng bị thối, c. Dòng tuôn vi khuẩn
- Quá trình lây nhễm
+ Bệnh tồn tại trong đất, hom giống và xác bã thực vật xâm nhiễm qua các vết thương cơ học hoặc do tuyến trùng.
+ Bệnh lây lan qua dụng cụ nông nghiệp, nước tưới, nước mưa và xác bã thực vật nhiễm bệnh.
- Phòng trị
→ Biện pháp vật lý: Xử lý giống bằng nước ấm có nhiệt độ 500C trong 30 phút trước khi trồng.
→ Biện pháp hóa học: 30 ngày sau khi trồng phun ngừa thuốc đặc trị vi khuẩn như Pyramos 40SL (25ml/ bình 25 lít) hoặc Kasuduc 3SL (35-40ml/ bình 25 lít), những lần sau phun cách nhau 15 ngày.
3. Bệnh thối củ do vi khuẩn
Tác nhân: do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi.
- Triệu chứng: Bệnh làm củ gừng mềm dần và thối, có mùi thối đặc trưng.
Triệu chứng thối củ
- Quá trình lây nhiễm
+ Bệnh gây hại nghiệm trọng ở các vùng thường xuyên ngập nước, qua các vết thương có sẵn hoặc qua giống nhiễm bệnh.
+ Vi khuẩn bắt đầu ăn chất lỏng tiết ra từ các tế bào bị thương và sinh sôi. Vi khuẩn tiết ra enzym pectolytic làm phân hủy và phá vỡ các tế bào cung cấp thêm thức ăn cho vi khuẩn. Thường thì phần vỏ ngoài không bị thối, cho đến khi bị nứt ra phần thối bên trong lây lan cho các củ gừng bên cạnh.
- Phòng trị
+ Biện pháp vật lý
→ Xử lý giống bằng nước ấm có nhiệt độ 500C trong 30 phút trước khi trồng.
→ Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp tàn dư thực vật.
→ Xử lý đất bằng vôi.
→ Trồng trên đất thoát nước tốt.
→ Tiêu huỷ cây bệnh tránh lây lan.
→ Bảo quản nơi thoáng mát sau thu hoạch.
+ Biện pháp hóa học: xử lý với thuốc đặc trị vi khuẩn như Pyramos 40SL (25ml/ bình 25 lít) hoặc Kasuduc 3SL (35-40ml/ bình 25 lít).
Các sản phẩm liên quan: https://congtydelta.com/danh-muc/329/thuoc-tru-benh
Công ty cổ phần BVTV Delta