• 0
  • 0

Giỏ hàng

Đặc điểm thực vật của cây dưa leo

CÂY DƯA LEO

Tên tiếng Anh: Cucumber

Tên khoa học: Cucumis sativus L.

Họ bầu bí: Cucurbitaceae

1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT

- Dưa leo là cây thân thảo hằng niên. Bộ rễ phát triển yếu nhất so với các cây trong họ bầu bí, rễ chỉ phân bố ở tầng đất mặt 30-40cm. Thân dài trung bình 1-3 m, có nhiều tua cuốn để bám khi bò. Thân tròn hay có góc cạnh, có lông ít hay nhiều tùy giống. Thân chính thường phân nhánh, cũng có nhiều dạng dưa leo hoàn toàn không thành lập nhánh ngang. Chiều dài thân tùy điều kiện canh tác và giống. Các giống canh tác ngoài đồng thường dài từ 0,5-2 m, giống trong nhà kính có thể dài 5m. Sự phân nhánh của dưa còn tùy thuộc nhiệt độ ban đêm. Thân trên lá mầm và lóng thân trong điều kiện ẩm độ cao có thể thành lập nhiều rễ bất định.

- Lá đơn to, mọc cách trên thân, dạng lá hơi tam giác với cuốn lá rất dài 5 -15cm, rìa lá nguyên hay có răng cưa. Lá trên cùng cũng có kích thước và hình dáng thay đổi.

- Hoa đơn tính đồng chu hay biệt chu. Hoa cái mọc ở nách lá thành đôi hay riêng biệt, hoa đực mọc thành cụm từ 5 – 7 hoa, dưa leo cũng có hoa lưỡng tính. Có giống trên cây có cả 3 loại hoa và có giống chỉ có 1 loại hoa trên cây. Hoa có màu vàng, thụ phấn nhờ côn trùng, bầu noãn của hoa cái phát triển rất nhanh ngay trước khi hoa nở. Các giống dưa leo trồng ở vùng ĐBSCL thường ra hoa sớm, bắt đầu ở nách lá thứ 4-5 trên thân chính, sau đó sẽ nở liên tục trên thân chính và nhánh.

Hoa đực và hoa cái

- Trái lúc còn non có gai xù xì, khi trái lớn gai từ từ mất đi. Trái từ khi hình thành đến khi thu hoạch có màu xanh đậm, xanh nhạt, có hay không có hoa văn (sọc, vệt, chấm) khi chín trái chuyển sang màu vàng sậm, nâu hay trắng xanh. Trái tăng trưởng rất nhanh, tùy theo giống, có thể thu trái từ 8 – 10 ngày sau khi hoa nở. Phẩm chất trái không chỉ tùy thuộc vào thành phần cấc chất dinh dưỡng trong trái mà còn tùy thuộc vào độ chặt của thịt trái, chiều dày vỏ, thịt trái và hương vị trái.

- Hạt có màu trắng ngà, trọng lượng 1000 hạt từ 20-30g , trung bình có từ 200-500 hạt trên trái.

2. ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH

a/ Nhiệt độ

- Dưa leo cũng giống như hầu hết các loại cây khác trong họ dưa bầu bí rất mẫn cảm với sương giá và đặc biệt là nhiệt độ thấp dưới 0oC. Dưa leo thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng là 30oC vào ban ngày và 18-21oC vào ban đêm. Nhiệt độ cao hơn sẽ làm cây ngừng sinh trưởng và nếu kéo dài nhiệt độ 35-40oC cây sẽ chết. Khi nhiệt độ dưới 15 oC cây mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa. Do nhiệt độ quá thấp phá vỡ quá trình trao đổi chất thông thường và một số quá trình sinh hóa bị ngừng trệ, toàn bộ chu trình sống bị đảo lộn dẫn đến cây tích lũy độc tố. Nhiệt độ thấp kéo dài số lượng độc tố sẽ tăng lên làm chết các tế bào.

- Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng, ra hoa của cây dưa leo mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự nở hoa cũng như quá trình thụ phấn, thụ tinh. Nhiệt độ thích hợp cho sự nảy mầm của hạt phấn là 17-24oC.

b/ Ánh sáng

- Dưa leo là cây ưa sáng ngày ngắn, cây thích hợp cho sinh trưởng và phát dục ở thời gian chiếu sáng từ 10-12 giờ/ ngày. Thời gian chiếu sáng dài, nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy sự sinh trưởng thân lá, hoa cái xuất hiện muộn hơn. Ánh sáng thiếu và yếu cây sinh trưởng, phát triển kém, năng suất thấp và chất lượng giảm.

c/ Nước

- Dưa leo là cây chịu úng kém. Tuy nhiên, do có lá to, diện tích lá lớn thoát nhiều hơi nước đồng thời trái chứa nhiều nước nên cần lượng nước rất lớn đặc biệt trong giai đoạn ra trái và thu hoạch. Hàm lượng trong thân lá tươi của dưa leo là 93,1%, trong trái là 96,8% do đó, không thể xem nhẹ việc cung cấp nước cho loại cây trồng này vì nó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng cũng như năng suất sau này. Đất khô hạn, hạt nảy mầm chậm, thân lá sinh trưởng kém. Đặc biệt thiếu nước nghiêm trọng sẽ xuất hiện trái di dạng, trái bị đắng.

Công ty cổ phần BVTV Delta

Bài viết liên quan

Kỹ thuật trồng dưa hấu: https://congtydelta.com/bai-viet/61/ky-thuat-trong-dua-hau