ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÂY BẮP
1. MÔ TẢ HÌNH THÁI CÂY BẮP
- Cây bắp, tên khoa học là Zea May L, thuộc họ Gramineae được Linnaeus đặt tên vào năm 1737.
- Rễ: Bắp thuộc loại rễ chùm. Tùy vào hình dạng, vị trí, thời gian phát sinh, vai trò mà người ta chia làm các loại: rễ mầm (xuất hiện khi hột nảy mầm khoảng 2-3 ngày sau khi gieo), rễ thứ cấp (mọc từ mát của diệp tiêu, ở đầu trục của thượng diệp, gồm 4 rễ và mọc 1-2 ngày sau rễ mầm), rễ chùm hay còn gọi là rễ thật sự (mọc từ 3-5 đốt thân đầu tiên, thường là dưới mặt đất, giữ nhiệm vụ chính trong việc cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây), rễ khí sinh (mọc từ các đốt thân trên không, từ 30 ngày sau khi gieo trở đi).
Rễ bắp
- Thân: Bắp là loại cây hằng niên, thân thảo, đặc lõi, thẳng và ít đâm nhánh. Thân bắp cao trung bình từ 1,5 – 3 m, tiết diện hình bầu dục, đường kính trung bình ở lóng thứ 3 là 3 – 4 cm. Mỗi cây có trung bình 20 lóng, ở gần gốc lóng ngắn, lóng ngọn nhỏ và dài có ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ ánh sáng. Quá trình phân lóng ở bắp thường diễn ra rất sớm và kết thúc khi cây bắp được 5 lá. Do đó, chỉ có điều kiện sinh trưởng trong giai đoạn cây con là ảnh hưởng đến số lóng trên cây.
- Lá: lá bắp mọc từ các mắt trên thân với số lá bằng số mắt thân, các giống trồng thường có từ 12 – 22 lá. Lá bắp gồm bẹ lá mọc ôm lấy thân và xen kẻ nhau giữa các mắt kế cận, phiến lá dài 10 - 150 cm và rộng 1,5 – 15 cm tùy vị trí của lá trên thân. Ngoài loại lá thông thường, bắp còn mang lá bi (lá mo hay vỏ trái) bao bọc phát hoa cái (trái). Đây là phần lá biến dạng, chỉ còn bẹ, để che chở trái bên trong. Mỗi trái bắp có 6 – 14 lá bi, mỗi lá dài 8 – 40 cm.
- Phát hoa và thụ phấn: Bắp là loại cây đợn tính đồng chu, thường là phát hoa đực (cờ) đỉnh ở ngọn thân trổ trước. Phát hoa cái (trái) mọc từ nhánh ở khoảng giữa thân, thụ phấn chéo nhờ gió với tỷ lệ khoảng 95%.
2. ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÂY BẮP
- Chu kỳ sinh trưởng của cây bắp bắt đầu từ khi hạt nảy mầm đến khi trái chín hoàn toàn. Chu kỳ trung bình 75 – 100 ngày tùy theo giống, điều kiện canh tác và môi trường sống. Sự sinh trưởng của cây bắp được tiến hành qua nhiều thời kỳ nối tiếp nhau một cách liên tục:
a/ Thời kỳ mọc mầm: Khoảng 24 giờ sau khi gieo. Khi đó sinh trưởng hãy còn là một khối u rộng, nhưng bên trong đã phân hóa từ 5 – 7 lá mầm và đốt thân. Các chất dinh dưỡng cũng phân hóa: tinh bột tạo thành đường, protein phân hóa thành acid amin… Trong thời kỳ này, cây bắp cần nhiệt độ 28 – 30 oC, ẩm độ 80% và thoáng.
b/ Thời kỳ cây con 1 – 5 lá: khi cây có 3 lá cây bắt đầu sống nhờ quang hợp và hấp thụ dinh dưỡng từ rễ. Thời kỳ này quyết định số mắt và lóng của cây, gặp điều kiện bất lợi cây sẽ cho ít mắt.
Cây con 5 lá
c/ Thời kỳ tăng trưởng chậm: (từ 5 lá đến phân hóa mầm hoa, 20-25 ngày sau khi gieo (NSKG)): Thời kỳ này bắt đầu khi cây được 5 lá đến khi cây được 9 lá. Cây bắp phát triển chậm, chỉ vài mm/ ngày, tuy nhiên các đỉnh sinh trưởng đã bắt đầu phát triển tạo mầm hoa đực. Thời kỳ này cây bắp chịu ảnh hưởng quang kỳ rất mạnh, nhất là những giống nhiệt đới.
d/ Thời kỳ tăng trưởng tích cực (từ 25 – 50 NSKG): Thời kỳ này cây phát triển rất nhanh, hệ thống rễ và dưỡng chất khô trong cây cũng tăng rất nhanh. Số lượng và sức sống của hoa cũng được quyết định trong giai đoạn này, do đó cây bắp cũng cần một nhiệt độ thích hợp, ở 18 – 20oC và ẩm độ 80%.
e/ Thời kỳ trổ hoa: kéo dài trong 10 – 15 ngày, từ khi cây trổ cờ, tung phấn, phun râu đến khi hạt đã thụ phấn. Toàn thể cây bắp hoạt động tích cực, hấp thụ nhiều nước (2 lít/cây/ngày) và dinh dưỡng. Nhiệt độ thích hợp 22-25oC, nhiệt độ <20oC hay >35oC sẽ ảnh hưởng đến trổ cờ và thụ phấn.
f/ Thời kỳ tạo hạt đến chín: kéo dài 25 – 35 ngày, tùy theo giống và thời vụ.
Công ty cổ phần BVTV Delta