ĐỘNG VẬT HẠI CÂY TRỒNG
Nhện hại cam, quýt
NHỆN HẠI CAM, QUÝT
1. NHỆN VÀNG (Phyllocoptruta oleivora)
- Ký chủ
Gây hại chủ yếu trên cam, chanh, quýt.
- Đặc điểm gây hại:
+ Nhên gây hại từ khi trái vừa mới tượng cho đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, nhện tập trung mật số rất cao trên trái non. Gây hại bằng cách cạp và hút dịch của vỏ trái, tập trung nhiều trên phần vỏ trái hướng ra phía ngoài tán lá.
+ Sự ăn phá của nhện trên vỏ trái làm trái bị nám và có hiện tượng da lu và da cám.
+ Khi mật số nhện cao, vỏ trái và lá như bị phủ một lớp lông sần sùi. Trái bị gây hại thường có vỏ dày hơn bình thường và có kích thước nhỏ hơn các trái không bị gây hại. Khi mật số cao, nhện vàng cũng gây hại trên lá và cành non. Do chu kì sinh trưởng ngắn nên nhện vàng có khả năng bộc phát rất nhanh.
+ Triệu chứng hại điển hình khi trái đủ lớn, vỏ trái có màu xám bạc, mất màu xanh hoặc vàng đặc trưng, toàn bộ vỏ trái hay dưới trái có màu thâm hơi nâu hoặc thâm đen. Làm giảm đáng kể giá trị thương phẩm. Nếu bị hại từ lúc trái nhỏ, trái không lớn được, có khi bị khô và rụng.
- Đặc điểm hình thái:
Thành trùng màu vàng tươi, cơ thể dẹp, thon dài có hình dạng củ cà rốt, có kích thước rất nhỏ, con cái dài khoảng 0,1 mm. Nhện vàng chỉ có 2 cặp chân. Phần đuôi nhọn có 2 lông dài. Trứng rất nhỏ, tròn, màu trắng. Ấu trùng nhện vàng cũng rất nhỏ, màu vàng nhạt, có dạng củ cà rốt với 2 cặp chân ngắn đưa ra phía trước.
2. NHỆN ĐỎ (Panonychus citri)
- Ký chủ
Gây hại trên khế, đu đủ, quýt, chanh, cam mật, dâu, táo, khoai mì, lê…, thuộc loài đa ký chủ.
- Đặc điểm gây hại:
+ Nhện đỏ tấn công trên lá và trái, chích cạp hút nhựa lá và trái.
+ Trên lá, vết cạp và hút tạo thành những chấm nhỏ li ti trên mặt lá, khi bị nặng, vết chấm lan rộng ra, lá có màu ánh bạc, lá sau đó có thể bị khô và rụng. Khi mật số nhện cao, cả cành non cũng bị nhện tấn công.
Lá bị nhện (bên trái), lá không bị nhện (bên phải)
+ Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần cuốn trái, đáy trái và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì và làm vỡ tuyến tinh dầu trên vỏ trái, vỏ trái sau đó bị biến màu và các vết thương khô dần tạo những đốm sần sùi trên vỏ trái (da cám). Nếu mật số cao trái non có thể bị rụng sớm.
- Đặc điểm hình thái
+ Trứng rất nhỏ, tròn, màu đỏ, phía trên có 1 cái cuống, từ đỉnh cuống có trên 10 sợi tơ kéo dài thành hình đồng tâm đến bề mặt của lá, rất đặc trưng.
+ Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt với 3 cặp chân, các tuổi sau, ấu trùng có 4 cặp chân, cơ thể tròn, màu đỏ tương tự thành trùng.
+ Thành trùng đực dài khoảng 0,3 mm, màu cam hay đỏ sậm, hình bầu dục tròn. Thành trùng cái có cơ thể thon dần về cuối bụng. Trên cơ thể thành trùng có khoảng 20 sợi lông trắng, dài, mọc trên những ống lồi nhỏ. Thành trùng cái có râu 3 đốt, 4 cặp chân.
+ Nhiệt độ thích hợp cho nhện phát triển và gây hại là 25oC.
3. NHỆN TRẮNG (Polyphagotarsonemus latus)
- Ký chủ
Nhện trắng thuộc nhóm đa ký chủ, được ghi nhận trên 60 họ thực vật khác nhau gồm: bông vải, cam, quýt, cà, ớt, trà, đu đủ, dưa leo, nho, chanh.
- Đặc điểm gây hại:
Nhện trắng thường thích tấn công phần vỏ (trái non, đường kính khoảng 2,5 cm) nằm trong tán lá. Khi bị gây hại, bề mặt vỏ trái mất màu, phát triển không đều, gần giống như triệu chứng da cám. Trái có thể bị biến dạng, ngưng phát triển và rụng sau đó. Khi mật số cao, nhện trắng tấn công cả phần lá non, làm lá biến màu và có thể phát triển cong queo.
- Đặc điểm hình thái
+ Trứng rất nhỏ, trong suốt, hình bầu dục, mặt dưới dẹp, mặt trên 5-6 hàng ống nhỏ dạng u lồi. Trứng được đẻ ở mặt dưới lá non, trên cành non, trên trái non, cuống bông hay bông. Thời gian ủ trứng 2-3 ngày. Ấu trùng cũng rất nhỏ, hình trái lê, thường tập trung gần vỏ trái nơi nhện được nở ra từ trứng.
Trứng nhện trắng
+ Giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 2-3 ngày. Thành trùng có chiều dài 0,16 mm, chiều ngang 0,96 mm. Chu kỳ sinh trưởng rất ngắn, 4-5 ngày (từ trứng đến thành trùng). Thành trùng cái sống khoảng 11-12 ngày, thành trùng đực sống khoảng 15-16 ngày. Vào giai đoạn trưởng thành, con đực mạng con cái trên cuối lưng bụng, ở tư thế nằm ngang, tạo nên dạng chữ T rất đặc trưng.
4. Biện pháp phòng trị
- Thường xuyên quan sát đồng ruộng để phát hiện các ổ nhện gây hại.
- Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin như: Rồng Việt, Penalduc 145EC và dầu khoáng phun vào giai đoạn cây vừa nhú đọt non và đọt non ra rộ.
Công ty cổ phần BVTV Delta
Bài viết liên quan
Côn trùng hại cam, quýt
Bệnh hại cam, quýt