KIẾN THỨC NHÀ NÔNG
KỸ THUẬT CANH TÁC CÀ CHUA
KỸ THUẬT CANH TÁC CÀ CHUA
1. Chọn giống
Savior: Thân sinh trưởng hữu hạn cao 0.81 m, kháng bệnh khảm khá, thịt trái dầy và chắc, trọng lượng trái 60-80 g/trái, trồng được quanh năm, cho thu hoạch 60-65 ngày sau khi trồng, thời gian thu hoạch khoảng 30-40 ngày, năng suất trung bình 3.5-3.5 tấn/1000m2.
Red Crow 250, TN148: Thân sinh trưởng bán hữu hạn, cao 1.52 m, cần làm giàn chắc chắn, cây tăng trưởng mạnh, trồng quanh năm, trái phát triển đều, trái tròn, hơi có khía, rất cứng và ít nứt trái trong mùa mưa, trọng lượng trái 70-100 g/trái. Giống cho thu hoạch 65-70 ngày sau khi trồng, thời gian thu hoạch dài, năng suất 3-4 tấn/1000m2.
TN 84: Cà chery, khả năng cho trái tốt trong vụ Đông Xuân, dạng cây trung bình, cao khoảng 1.5 m, đậu trái nhiều, cho thu hoạch 65-70 ngày sau khi cấy cây con, dạng trái elip dài, thon, màu đỏ tươi, nặng khoảng 8-12 g/trái, ngon, độ đường 8.5%, trái cứng dễ vận chuyển và bảo quản, cuống trái khó rụng, năng suất 1.5-2 tấn/1000 m2.
2. Thời vụ
Trồng quanh năm
Vụ Động Xuân (vụ thuận): Trồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, thời tiết mát, đậu trái nhiều, năng suất cao nhất.
Vụ Xuân Hè: Trồng từ tháng 1 đến tháng 4, đậu trái kém hơn vụ Đông Xuân, chú ý phòng trị rầy phấn trắng và bù lạch gây bệnh khảm (ngù đọt).
Vụ Thu Đông (vụ nghịch): Trồng từ tháng 7 đến tháng 11, mưa dầm dễ bị úng ngập và bị bệnh héo xanh, năng suất thấp nhưng giá cao.
3. Chuẩn bị đất
- Lên liếp
+ Liếp đôi: mặt liếp rộng 1-1.3 m, trồng 2 hàng, lối đi 0.5 m, khoảng cách cây 0.35 m (giống thấp cây) đến 0.5 m (giống cao cây), mật độ 2500-3000 cây/1000 m2, phù hợp trồng trong mùa nắng và loại hình sinh trưởng thấp như cây cà chua F1 giống Savior.
+ Liếp đơn: Mặt liếp rộng 0.6 m, trồng 1 hàng, lối đi 0.6 m, khoảng cách cây 0.5 m, mật độ 1.600 cây/1000 m2. Thích hợp trồng mùa mưa hoặc loại cây sinh trưởng cao như cà TN 148, Red Crown 250.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp: Tưới thật đẫm nước trước khi đậy màng phủ, trên 1000 m2 dùng 1.5-2 cuồn màng phủ, chiều dài mỗi cuồn 400 m, khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống. Nếu liếp trồng một hàng dùng màng phủ khổ rộng 1-1.2 m, liếp trồng 2 hàng dùng màng phủ khổ 1.2-1.6 m, nên phủ kín chân liếp thì hiệu quả càng cao, dùng que ghim mé màng phủ tránh gió tốc.
4. Gieo trồng
- Lượng hạt gieo cho 1000 m2 là 7-10 gram (330-350 hạt/gram). Hạt gieo trong khay ươm chuyên dùng 15-20 ngày đem trồng, cây con để trễ hơn sẽ dễ đỗ ngã trong mùa mưa. Làm mái che cho cây con khi mưa.
- Trồng cây vào buổi chiều mát, nhẹ nhàng để tránh vỡ đất xung quanh rễ, lắp đất vừa ngang miệng bầu đất. Rãi các loại thuốc có mùi hôi (1-2 kg/1000 m2) ngay lỗ trống, tránh dế hay sâu ăn tạp hại cây con.
5. Chăm sóc
- Bón phân: Tùy theo loại đất, loại và lượng phân bón trung bình toàn vụ cho 1 ha với công thức nguyên là 215 kg N – 200 kg P2O5 – 210 kg K2O. Bón phân thúc bằng cách vén màng phủ, rãi mỗi lần một bên.
- Lượng phân bón cho 1 ha như sau:
+ Bón lót: Vôi bột 1500 kg + Phân hữu cơ vi sinh 2000 kg + NPK (20-20-15) 300kg.
+ Bón thúc ngày sau khi trồng (NSKT):
17-20 NSKT: NPK (20-20-15) 150kg + KCl 20 kg + Ca(NO3)2 20 kg.
35-40 NSKT: NPK (20-20-15) 150kg + KCl 30 kg.
55-60 NSKT: NPK (20-20-15) 250kg + KCl 30 kg + Ca(NO3)2 30 kg.
75 NSKT: NPK (20-20-15) 150kg + KCl 20 kg + Ca(NO3)2 20 kg.
Cà chua thường bị thối đít trái như mày ốc do thiếu canxi, nếu thấy trái non bị thối nên phun trên lá bằng Canxi Clorua (CaCl2), nồng độ 2-4‰ định kỳ 7-10 ngày/lần từ lúc trái non phát triển.
+ Tưới nước: Ngay sau khi trồng, gặp nắng mạnh dùng vòi sen tưới 2-3 lần/ngày, vào khoảng 3-5 ngày đầu. Nếu trồng trên nền đất lúa thì áp dụng biện pháp tưới thấm vào buổi chiều mát, cho nước vào rãnh khoảng 1 giờ rút cạn, 3-4 ngày tưới một lần, lúc cây mới trồng mực nước cao cách đỉnh liếp 10 cm, cây càng lớn mực nước càng thấp dần, khi cây mang trái không giữ nước trong rãnh, chỉ giữ cho đất ráo, vừa đủ ẩm để hạn chế bệnh héo xanh. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt.
+ Làm giàn: Khi cây cao 30-40 cm, cắm cây trụ (cao 1.5 m) dọc theo hàng cà, dạng thẳng đứng như hàng rào hoặc chữ A, khoảng cách giữa 2 cây trụ 3-4 m, giăng dây chì hoặc ni lông, giữ cho cây cà đứng vững.
+ Tỉa chồi và lá chân: Tỉa bỏ tất cả chồi dại ở dưới vết ghép và tỉa bỏ các chồi gốc khi vừa nhú ra. Nếu cà chua thuộc loại sinh trưởng vô hạn (cây cao hơn 1 m) thì chừa 1-2 nhánh/cây, nếu thuộc loại sinh trưởng hữu hạn (thấp hơn 1 m) thì giữ hết nhánh. Nên tỉa bỏ các lá chân đã già hoặc chuyển sang màu vàng giúp tập trung dinh dưỡng nuôi trái, cây thông thoáng, ít bị sâu bệnh.
+ Phòng trừ sâu bệnh hại chính:
Rầy phấn trắng (Bemisia tobaci), Bọ trĩ, bù lạch (Thrips palmi), Dòi đục lòn, Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera), Sâu ăn tạp, sâu ổ, sâu đàn (Spodoptera litura), …. Đặt bẫy dính màu vàng ngay sau khi trồng để bắt các loại côn trùng có cánh, làm giảm số cây bị ngù đọt, số lượng khoảng 30-40 bẫy/1000 m2.
Bệnh héo rũ, héo xanh, chết nhát (vi khuẩn Ralstonia solanacearum), Bệnh héo vàng (nấm Fusarium oxyporum), Bệnh thán thư (nấm Colectotrichum phomoides), Bệnh mốc đen lá (nấm Cladosporium fulvum), Bệnh mốc sương, héo muộn (nấm Phytophthora ingestans): Phun mặt dưới lá và trái luân phiên các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất Mancozeb, Metalaxy, Propineb, Oxytetracyline Hrochloride, thuốc gốc đồng, …
6. Thu hoạch
Cà bắt đầu cho thu hoạch 75-80 NSKT (30-35 ngày sau khi trổ hoa) và thu hoạch kéo dài 30-35 ngày, từ 4-7 lứa. Thời điểm thu hái cà tùy mục đích sử dụng, cung cấp cho thị trường gần nên thu khi trái chín đỏ. Nếu phải chuyên chở đi xa nên thu hoạch cà vào giai đoạn trái chín xanh.
Công ty cổ phần Bảo Vệ thực vật Delta