• 0
  • 0

Giỏ hàng

Quản lý bệnh hại Sầu Riêng

BỆNH HẠI SẦU RIÊNG

1. Bệnh thối rễ, nứt thân, chảy nhựa, chảy gôm, nứt quả, thối quả,..( Phytophthora)

- Tác nhân: do nấm Phytopthora palmivora, gây hại từ giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành, cho quả, hại trên rễ, thân, cành, lá và quả.

- Triệu chứng

+ Trên rễ: Rễ non bị thối có màu đen, rễ chết dần làm cây phát triển chậm, sau đó nấm lan dần đến phần thân cây phía trên gây chảy nhựa thân, bộ lá chuyển màu vàng, cây không phát triển và chết dần.

+ Trên thân, cành: Nấm lây lan dần đến phần thân cây phía trên làm chảy nhựa trên bề mặt vỏ thân, vết bệnh ướt và nhựa có màu nâu. Vỏ thân và gỗ bên dưới bị chuyển sang màu hồng nhạt, có bớt tím, viền gợn sóng, bệnh lan dần vào bó mạch. Khi cạo lớp vỏ bị bệnh ra sẽ thấy phần gỗ có màu nâu sẫm dọc theo thân cành. Cây bị bệnh nặng sẽ không phát triển và chết dần.

+ Trên lá: Vết bệnh đầu tiên là những đốm đen nâu nhỏ trên mặt lá và lan rất nhanh, bộ lá chuyển màu vàng rồi sau vài ngày lá chuyển thành màu nâu, lá bị nhũn rồi khô dần và rụng theo từng cành hay một phía của cây.

+ Trên quả: Vết bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu đen nâu, thường xuất hiện theo vị trí ừ cuống quả trở xuống xung quanh quả, sau đó phát triển thành hình tròn hay loang lỗ và có màu nâu trên vỏ quả. Khi quả già, vết bệnh nứt ra và phần thịt quả bên trong bị thối, có rất nhiều sợi nấm màu trắng trên vết bệnh và làm quả sầu riêng rụng trước khi chín.

- Phương thức lan truyền nguồn bệnh:

+ Nấm thường lưu tồn trong đất, có khả năng thích ứng và tồn tại trong điều kiện bất lợi. Sợi nấm và bào tử còn lưu tồn trong các vết bệnh trên thân cành, lá, trái bệnh và các xác bã thực vật. Từ đây nấm dễ dàng phát tán khi gặp điều kiện thuận lợi như: gió to, mưa nhiều, nấm sẽ lây lan và phát triển rất mạnh. Vườn bị ngập nước càng lâu thì áp lực bệnh càng lớn.

- Biện pháp quản lý bệnh

+ Đối với những vườn chưa bị bệnh hoặc bị bệnh nhẹ

+ Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa, tạo rãnh thoát nước không để nước ứ đọng lâu ngày ở gốc sầu riêng.

+ Trồng cây ở mật độ vừa phải, khoảng cách từ 8-10m giúp vườn thông thoáng, có ánh nắng xuyên vào để giảm ẩm độ, giảm áp lực nguồn bệnh.

+ Bón phân cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa nấm đối kháng Trichoderma để bón cho cây.

+ Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn và thu gom tàn dư cây bị bệnh đem tiêu hủy, cắt tỉa các cành nhánh gần mặt đất, vệ sinh làm cỏ gần vùng gốc tạo thông thoáng.

- Biện pháp hóa học

+ Quét gốc: Hàng năm tiến hành quét vôi nước hoặc dung dịch Bordeaux 1% quanh gốc vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa,  độ cao 0,7-1 m tính từ mặt đất để hạn chế nấm lây nhiễm từ đất.

+ Hiện nay, một số nhà vườn đã áp dụng thuốc có hoạt chất Mancozeb (BioRosamil, Mancozeb) để quét hoặc tưới trên cành, quanh gốc cây vào đầu và cuối mùa mưa, mang lại hiệu quả phòng bệnh rất cao.

+ Bôi thuốc: Đối với những cây có vết bệnh còn nhỏ, thâm đen chảy gôm trên thân,  cành thì dùng dao sắc bén cạo bỏ phần mô chết bôi dung dịch thuốc có hoạt chất: Metalaxyl, Mancozeb (BioRosamil, Mancozeb), Propineb (Nofacol 70WP), Fosetyl – aluminium, thuốc gốc đồng,… (liều lượng theo khuyến cáo) lên mặt cắt và xung quanh. Thực hiện cạo và bôi thuốc trong thời tiết khô ráo.

+ Trong đợt mưa kéo dài, có thể phòng bệnh lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày.

2. Bệnh thán thư (Antracnose)

- Do nấm Collectotrichum zibethinum gây ra.

- Thường xuất hiện trên cây ở vườn ươm đến cây 3 năm tuổi, những cây lớn nhưng kém phát triển, nhất là trong mùa nắng hay sau khi thu hoạch, chỉ xuất hiện trên lá già ở khu vực giữa tán trở xuống mặt đất.

- Triệu chứng: Vết bệnh thường bắt đầu ở mép lá hay từ chóp lá lan dần vào trong phần phiến lá có màu nâu đậm, vết bệnh điển hình là để lại các đường viền tròn đồng tâm có màu đậm dọc theo 2 bên gân chính của lá.

- Phòng trị

+ Tiêu hủy những cành bị bệnh nặng.

+ Cung cấp nước và phân bón đầy đủ cho cây sinh trưởng bình thường.

+ Phun thuốc khi cây vừa xuất hiện bệnh băng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Azoxystrobin, Propineb, Difenoconazole + Propiconazole , Mancozeb + Matalaxyl liều lượng theo khuyến cáo.

3. Bệnh cháy lá chết ngọn (leaf blight)

- Do nấm Rhizoctonia sp. gây ra.

- Bình thường xuất hiện và phát triển mạnh trong mùa mưa, không những gây hại cây ở vườn ươm mà còn gây hại trên cả cây lớn.

- Triệu chứng: Bệnh lan dần từ lá già bên dưới lên trên làm các lá bị phỏng nước sôi, sau đó có màu vàng nâu, cuối cùng chuyển sang màu trắng xám. Các lá bệnh thưởng dính lại với nhau, khi gỡ ra thấy có các tơ màu vàng nâu kết dính các lá lại với nhau, đôi khi có những hạch tròn màu nâu nhạt. Nếu gặp mưa dầm, ẩm độ không khí cao thì vết bệnh có màu đen nhũn ra.

- Phòng trị

+ Vệ sinh và thu dọn tiêu hủy các cành lá bị bệnh dứ tán cây.

+ Tỉa cành gần mặt đất tạo cho cây thông thoáng, hạn chế bệnh.

+ Khi thấy vườn chớm bệnh, phun thuốc có các hoạt chất như: Hexaconazole (AVIANDO 50SC), Validamycin, Difenoconazole + Propiconazole (AMITY TOP 500SC),… hoặc thuốc gốc đồng theo liều lượng khuyến cáo. 

4. Bệnh đốm rong (Algal leaf spot)

- Do nấm Cephaleuros virescens gây ra.

- Bệnh tấn công trên lá và các cành ở những vườn sầu riêng chăm sóc kém.

- Triệu chứng: Vết bệnh có hình tròn, màu gạch tôm đường khính 0,2-1 cm và hơi nhô lên, nếu nhìn kỹ thấy nhiều sợi tơ trên vết bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của lá, rong hút dinh dưỡng và làm lá kém phát triển, giảm quang hợp. Bệnh còn tấn công trên cành cây, vết bệnh cũng tương tự như trên lá, làm cành non bị nứt ra, vị trí nứt này sẽ dễ nhiễm các loại nấm khác đặc biệt là nấm Phytophthora palmivora trong mùa mưa.

- Phòng trị

+ Tỉa và tiêu hủy các cành bị nhiễm bệnh và cành bên trong tán không chop trái, phun các loại thuốc gốc đồng hoặc dùng Mancozeb quét lên thân cây ở giai đoạn đầu và cuối mùa mưa để phòng bệnh cho cây.

5. Bệnh nấm hồng

- Do nấm Corticium salmonicolor gây hại.

- Nấm thường tấn công trên các cành cây rậm rạp tại chảng 2, chảng 3 của cây.

- Nấm thường tạo một lớp tơ nấm lúc đầu có màu trắng đục sau đó chuyển sang màu hồng nhạt phát triển xung quanh vỏ cành cây, nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá cả cành, cuối cùng làm cành chết khô.

- Phòng trị

+ Cần trồng cây với mật độ thưa, tỉa cành cho cây thông thoáng, tỉa bỏ các cành tiêu hủy các cành bị bệnh.

+ Phun các loại thuốc có hoạt chất: Mancozeb + Matalaxyl (BioRosamil), Azoxystrobin, Propineb (Nofacol), Difenoconazole + Propiconazole (AMITY TOP 500SC),… liều lượng theo khuyến cáo.

6. Bệnh thối hoa

- Do nấm Fusarium sp.

- Hoa bị bệnh tấn công có màu nâu đen, vết bệnh hơi lõm xuống. Nấm bệnh tấn công trên hai mảnh vỏ bao quanh hoa sầu riêng, sau đó lan dần vào trong phần cánh hoa làm thối và rụng đi.

- Phòng trị

+ Tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng

+ Tỉa bớt và để các hoa trên cành thưa và rời nhau trên cành.

+ Phun thuốc phòng bệnh khi hoa chuẩn bị nở có hoạt chất như: Hexaconazole (AVIANDO 50SC), Mancozeb + Matalaxyl (BioRosamil), Azoxystrobin, Propineb (Nofacol), Difenoconazole + Propiconazole (AMITY TOP 500SC),… liều lượng theo khuyến cáo.

Công ty cổ phần BVTV Delta

Bài viết liên quan

QUẢN LÝ SÂU HẠI SẦU RIÊNG

BỆNH HẠI CAM, QUÝT

QUẢN LÝ BỆNH HẠI TRÊN CÂY XOÀI

Nguồn: Sở nông nghiệp và nông thôn tỉnh Tây Ninh