• 0
  • 0

Giỏ hàng

Quản lý sâu hại Sầu Riêng

QUẢN LÝ SÂU HẠI CHO CÂY SẦU RIÊNG

1. XÉN TÓC (Plocaederus ruficornis)

- Hình thái: Có 3 giai đoạn gồm trứng, ấu trùng và thành trùng (xén tóc).

+ Trứng tròn, màu trắng được đẻ rải rác trong các vết nức của vỏ cây, nở trong thời gian từ 2-3 ngày.

+ Ấu trùng có thân màu vàng nhạt, đầu rất nhỏ và hay rút xuống phía dưới, chân thoái hóa còn rất nhỏ, có đời sống rất lâu (có thể đến 7-8 tháng) ngay bên trong thân cây. Thành trùng có thân màu nâu đen, dài từ 2,5-4 cm, có râu rất dài, màu đỏ, bằng hoặc hơn thân mình (con đực), sáu chân cũng có màu đỏ với đốm nâu đậm ở cuối đùi và cẳng chân, trên cánh cứng có những đốm gỗ màu nâu hoặc đen, ngực trước có u nhỏ trông gồ ghề, mỗi bên có một gai đưa ra giống 2 cái sừng, thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào đầu mùa mưa sau khi vừa trưởng thành.

+ Giai đoạn gây hại là ấu trùng, khả năng phá hại rất cao nhưng lại khó phát hiện triệu chứng gâu hại do ấu trùng không thải phân ra ngoài, thường chỉ phát hiện qua các lỗ đục trên thân, cành héo khô và có thể chết.

- Cách gây hại:

+ Loài xén tóc đục trên thân chính hoặc nhánh lớn, thường làm chết cành hoặc suy yếu cả cây. Con cái đẻ trứng vào các vết nứt của cây hoặc ngay vị trí phân nhánh (chảng ba của cây). Ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm trong thân cây và cành cây, ăn phá ở đó. Những đường đục trong gỗ cây thường có dạng hình tròn (thiết diện cắt ngang) và kéo dài một đoạn thẳng nhỏ trước khi quay hướng đục.

+ Cây bị tấn công vào giai đoạn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng rất nhiều, mạch dẫn nhựa tắt nghẽn làm cho cành bị khô héo và rụng lá, các lỗ do ấu trùng đục vào bị  chảy nhựa và cành dễ gãy.

* Phòng trị

+ Rất khó để phòng trị các loài xén tóc vì ấu trùng ở sâu bên trong. Có thể ngừa bằng các cách sau:

+ Vệ sinh vườn thường xuyên (cắt bỏ tiêu hủy những cành vượt, bệnh) don sạch cỏ rác và lá cây mục.

+ Không gây ra vết thương vì sẽ tạo điều kiện cho thành trùng đẻ trứng.

+ Thành trùng chỉ xuất hiện vào lúc đêm tối và khi chúng đẻ trứng. Chúng thường thu hút bởi ánh sáng nên có thể dùng bẫy đèn để thu hút (vào đầu mùa mưa).

+ Pha hỗn hợp vôi, lưu huỳnh, nước tỷ lệ 10:1:40 quét thân cây để diệt trứng và tránh không cho thành trùng đẻ trứng vào giai đoạn trước và sau mùa mưa.

+ Nếu phát hiện cây bị sâu đục thân, dùng bông gòn thấm thuốc trừ sâu (nên chọn thuốc lưu dẫn hoặc xông hơi) nhét vào các lỗ đục, trám miệng lỗ đục lại. Ngoài ra, cũng có thể rải thuốc trừ sâu dạng hạt vào các lỗ đục và trám đất sét.

+ Trong quá trình tìm diệt sâu đục thân, có thể tạo nhiều vết thương trên thân cây, dùng thuốc gốc đồng quét lên thân cây phòng bệnh tấn công.

2. SÂU ĐỤC QUẢ (Conogethes punctiferalis) gây hại từ lúc quả non - quả già.

- Hình thái:

+ Trứng hình bầu dục, dài khoảng 2-2,5 mm.

+ Ấu trùng dài khoảng 22mm, đầu nâu, thân màu trắng ửng hồng, hai đốt ngực (trước và giữa) và hai đốt thân ở cuối thường có màu trắng hơi hồng, các đốt còn lại có màu hồng. Mỗi đốt sống lưng có 4 đốm nâu nhạt, 2 đốm trên to, 2 đốm dưới dài và hẹp, trên mỗi đốm đều có lông cứng nhỏ, mỗi đốt có một đốm nhỏ màu nâu ở bên hông cơ thể, lỗ thở màu đen.

+ Trưởng thành là bướm có chiều dài sải cánh 20-23 mm, toàn thân màu vàng, trên cánh có nhiều chấm nhỏ màu đen.

- Cách gây hại: Trưởng thành cái đẻ trứng trên vỏ quả sầu riêng non, sâu non ăn phần vỏ rồi đục vào quả sau đó hóa nhộng ngay trên đường đục hoặc ra ngoài và hóa nhộng trên vỏ quả. Sâu gây hại từ khi trái còn non đến trưởng thành, đặc biệt gây hại nặng trên các chùm trái hơn là các trái đơn lẻ.

- Ảnh hưởng của sâu đến quả sầu riêng: Quả non bị hại sẽ biến dạng và rụng, quả già bị hại sẽ ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm. Ngoài ra, sâu đục vào quả còn tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây thối quả và rụng.

* Phòng trị

+ Cắt tỉa các trái nhỏ, kém phát triển, trái bị sâu hại.

+ Dùng cành cây nhỏ ngăn tách các trái đóng cặp để hạn chế thiệt hại.

+ Dùng bẫy đèn để bẫy trưởng thành vào ban đêm.

+ Phun thuốc sử dụng luân phiên các hoạt chất Emamectin benzoate, Abamectin, Thiosultap sodium, …để hạn chế tính kháng.

3. RẦY NHẢY (Rầy phấn) (Allocaridara malayensis): đối tượng gây hại phổ biến và quan trọng trên cây sầu riêng, phát triển nhiều trong các tháng mùa nắng, gây hại chủ yếu trên lá non.

Hình thái

+ Ấu trùng có cấu trúc giống như lông màu trắng xung quanh cơ thể, đặc biệt là ở phía sau có lông tơ màu trắng dài trông giống như một cái đuôi gà. 

+ Thành trùng không có cấu trúc lông trắng này, không bay thường xuyên, chỉ bay khi chúng bị quấy phá, có chiều dài 3 – 4 mm, cơ thể có màu nâu lợt, cánh trong suốt, thường xuất hiện ở mặt dưới lá và có thể sống đến 6 tháng; đẻ trứng ở mặt trên lá non còn xếp lại thành từng ổ.

- Cách gây hại: thường sống ở mặt dưới lá, cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút các lá non, lá bị hại thường có những chấm vàng. Khi bị hại nặng, lá thường khô, cong lại và rụng hàng loạt, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Ngoài ra rầy còn tiết ra mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

* Phòng trị:

+ Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để dể trừ rầy.

+ Phun nước khi lá vừa mở để rửa trôi ấu trùng và thành trùng giúp giúp giảm mật số rầy.

+ Thường xuyên kiểm tra cây đặc biệt là thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 11 là thời kỳ thường xảy ra dịch rầy nhằm quan sát tình trạng xuất hiện của rầy nhảy.

+ Sử dụng bẫy dính màu vàng nhằm hấp dẫn và bẫy rầy trưởng thành.

+ Khi mật số rầy cao có thể dùng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Nytenpyram (SUPER KING 500SL), Dinotefuran, Pymetrozine (CHETS DUC 700WP)… Luân phiên sử dụng các hoạt chất để hạn chế bộc phát tính kháng.

 4. NHỆN ĐỎ (Eutetranychus sp.)

- Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm của vùng nhiệt đới, khả năng sinh sản khá cao, vòng đời rất ngắn, gây hại trên lá già nhất là những lá ở gần mặt đất.

- Gây hại bằng cách: Chích hút dịch lá tạo thành những chấm trắng li ti, làm lá bị mất màu, không phát triển được. Lá bị hại nặng sẽ chuyển màu vàng, rụng sớm dẫn đến cây sinh trường kém, ảnh hưởng đến ra hoa đậu quả của cây.  

* Phòng trị:

+ Phun nước lên tán lá để tăng ẩm độ lá, giảm mật số của nhện.

+ Trong điều kiện tự nhiên, nhện đỏ bị nhiều loại thiên địch tấn công như : nhện nhỏ ăn mồi…cần tạo điều kiện cho thiên địch phát triển để hạn chế nhện đỏ gây hại.

+ Khi mật số nhện cao có thể dùng các loại thuốc chứa hoạt chất để phun như: Abamectin (VOIDUC 42EC), Azadirachtin, Clofentezine, Diafenthiuron, Emamectin benzoate (VDC PENALDUC 145ECRồng Việt 100WG), Karanjin, Sulfur… . Luân phiên sử dụng các hoạt chất để hạn chế bộc phát tính kháng. 

5. RỆP SÁP (Planococcus sp.)

- Xuất hiện khá phổ biến, tấn công trên trái từ khi còn non, bám vào cuống quả hoặc các rãnh giữa các gai trên vỏ quả.

 - Gây hại bằng cách: Chích hút nhựa làm quả kém phát triển. Nếu quả non bị hại nặng sẽ bị biến dạng hoặc rụng non. Trong quá trình gây hại, rệp còn tiết ra mật đường tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, làm giảm giá trị thương phẩm của trái.

* Phòng trị:

+ Tỉa bỏ những trái non bị nhiễm nặng.

+ Không trồng xen với những cây bị nhiễm rệp sáp như mãng cầu (na)…

+ Khi mật số rệp cao phun thuốc có chứa hoạt chất như: Abamectin (VOIDUC 42EC), Emamectin benzoate (VDC PENALDUC 145ECRồng Việt 100WG), Nytenpyram (SUPER KING 500SL), Dinotefuran, Pymetrozine (CHETS DUC 700WP)…kết hợp dầu khoáng ...

Công ty cổ phần BVTV Delta

Nguồn: Sở nông nghiệp và nông thôn tỉnh Tây Ninh

Bài viết liên quan

QUẢN LÝ BỆNH HẠI SẦU RIÊNG

XỬ LÝ RA HOA NGHỊCH VỤ CHO SẦU RIÊNG

RUỒI ĐỤC TRÁI XOÀI