• 0
  • 0

Giỏ hàng

Cây Na

CÂY NA

(Sugar Apple)

1. PHÂN LOẠI, NGUỒN GỐC

- Cây Na có tên khoa học: Annona squamosa thuộc chi Annona, loài Annonasceae. Chi Annona xuất phát từ chữ Latin “anon” – “sản xuất hàng năm” do thuộc tính cho quả hàng năm của các loài khác nhau trong chi này.

- Na còn có tên thường gọi khác là Mãng cầu ta, Mãng cầu dai, Sa Lê, Phan Lệ Chi.

- Cây Na được xác định có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Kể từ thế kỷ 16, cây Na đã được nhập vào nhiều nước nhiệt đới. Do tính thích nghi rộng nên Na được trồng phổ biến ở các vùng Nhiệt đới và Á nhiệt đới.

- Na được nhập vào nước ta từ lâu và được trồng khắp cả nước chỉ trừ một vài vùng có nhiệt độ xuống quá thấp vào mùa đông. Na sinh trưởng thuận lợi ở nhiệt độ trung bình hàng năm 25 - 30oC, lượng mưa trung bình khoảng 1000mm/năm. Na là cây có tính thích nghi rất rộng. Na chịu được đất xấu, đất trồng đồi trọc, đất chua mặn, chịu hạn tốt nhưng không chịu úng ngập, độ pH thích hợp 5,5 - 6,5.

2. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT

- Có hàng chục loại Mãng cầu có quả ăn được nhưng trên thế giới có 2 loài được trồng phổ biến nhất đó là Na (Annona squamosa) và Mãng cầu xiêm (Annona muricata).

- Cây Na là cây thân gỗ thường rụng lá vào mùa đông, cao từ 5 - 10 m, phân cành thường tạo thành hình nón. Hệ thống rễ ăn sâu và có thể lan rộng hơn đường kính tán. Lúc cây còn nhỏ có tồn tại rễ cọc tuy nhiên rễ sau đó bị tiêu biến.

- Lá đơn, hình elip, có mùi hăng.

- Hoa lưỡng tính, đài dưới màu trắng xanh hoặc vàng xanh gồm 2 vòng xoắn 3 cánh ngoài lớn hơn.

- Quả hình trứng là quả phức do nhiều nhụy hoa sau khi thụ phấn thụ tinh kết hợp lại, quả nhiều thịt màu trắng, hạt màu đen bóng, mỗi quả có nhiều hạt. Trong hạt Na có chất độc.

- Cây Na có thể được nhân giống vô tính, đặc biệt thông qua các kỹ thuật ghép. Tuy nhiên Na thường được nhân giống hữu tính bằng hạt. Việc nhân giống bằng hạt vừa tạo được sự đồng đều của cây con, hệ số nhân cao. Hạt giống có thể gieo trực tiếp vào các hố trồng hoặc trong vườn ươm. Sau 20-30 ngày hạt nảy mầm đạt 85-90% và 6-8 tháng sau cây có thể được đem vào hố trồng. Cây na sau 3 năm cho quả, năm thứ 4, thứ 5 trở đi quả ngày một nhiều.

- Quả na ngon, ngọt, có mùi thơm thanh khiết nên được nhiều người ưa thích. Quả na nặng khoảng 130g - 370g, số hạt 1 quả từ 14 - 66 hạt, phần ăn được từ 34,4% - 60,6%, độ chua từ 0,2% đến 0,8%, lượng đường chiếm khoảng 68% của tổng chất rắn. Quả Na còn chứa nhiều vitamin nhóm B (0,07mg/100g) và C (20mg/100g), một lượng nhỏ canxi và phốt pho. Ở CuBa còn có giống na không hạt nhưng quả hơi nhỏ. Trồng na chủ yếu để lấy quả ăn tươi, ngoài ra ở một số nước, quả na được chế thành mứt, nước giải khát, hoặc thuốc chữa bệnh.

- Các bộ phận khác của cây cũng có thể được sử dụng vào việc hữu ích, như bột tán lá cây na có thể dụng diệt chấy rận. Các lá cũng có thể được nghiền ra chữa ap-xe, chữa chứng bụng khó tiêu, ghẻ và bệnh ngoài da,…

 

Công ty cổ phần BVTV Delta